Bệnh tuổi già

Những dấu hiệu trầm cảm ở người già

Hasuapp.vn – Ngày nay, căn bệnh trầm cảm đã được đánh giá đúng mức độ nguy hiểm mà nó mang lại. Nhưng dường như người ta chỉ quan tâm nhiều tới đối tượng là những người trẻ tuổi. Trong khi thực tế rằng, tỉ lệ người già mắc bệnh trầm cảm cũng khá cao. Do nhiều yếu tố, mà chủ yếu là yếu tố văn hóa, môi trường sống nên nhiều người đang giấu đi căn bệnh của mình. Vì không muốn làm phiền con cháu mà nhiều người già trì hoãn việc đi khám bệnh. Hãy cùng Hasu tìm hiểu các dấu hiệu trầm cảm ở người già để có giải pháp kịp thời nhé.

1. Những dấu hiệu trầm cảm ở người già

  • Mất hứng thú với những sở thích trước đây. Chơi cờ, trồng cây, nuôi chim, ca hát, khiêu vũ, đọc sách… những sở thích trước đây giờ bỗng biến mất. Những việc nhỏ trước đây mang lại niềm vui nhưng giờ thì không.
  • Luôn cảm thấy trong người uể oải, mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân. Chính vì vậy mà không muốn làm bất cứ điều gì.
  • Thường xuyên cảm thấy khó chịu trong người và khó có thể thư giãn trở lại.
  • Thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng vì những việc vô cùng nhỏ nhặt.
  • Mất đi cảm giác ngon miệng, ăn ít và sút cân. Ngược lại, có trường hợp ăn quá nhiều và tăng cân không kiểm soát.
  • Khó ngủ, ngủ dậy sớm, hay tỉnh giấc và khó ngủ trở lại. Ngược lại, có trường hợp lại ngủ quá nhiều.
  • Không thích giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, kể cả bạn bè, người thân.
  • Mất tự tin vào bản thân.
  • Cảm thấy khó chịu, cáu gắt với người khác mà đôi khi không vì lý do gì cả.
  • Khó có thể tập trung khi làm việc.
  • Thường xuyên có cảm giác hoảng sợ mà không hiểu mình sợ điều gì.
  • Cảm giác bi quan, chán nản.
  • Thường xuyên có cảm giác tội lỗi, nhớ về quá khứ và phóng đại sự việc.
  • Thường xuyên nghĩ đến cái chết và có suy nghĩ muốn tự tử.

2. Nguyên nhân dẫn đến những dấu hiệu trầm cảm ở người già

Người bệnh trầm cảm trở nên mệt mỏi, thờ ơ với mọi thứ xung quanh

Có nhiều lý do dẫn đến căn bệnh trầm cảm ở người già. Dưới đây là những nguyên nhân bổ biến được thống kê:

  • Những trải nghiệm đau buồn mà người già phải trải qua. Những kỷ niệm không vui trong quá khứ; những mất mát, đau thương có thể dẫn đến bệnh trầm cảm ở người già. Với người bình thường, nếu gặp chuyện không vui thì có thể chia sẻ với người khác, nhưng với người bị trầm cảm thì không. Họ thường chịu đựng tất cả những nỗi buồn đau ấy một mình, giấu thật sâu trong lòng mình. Cũng chính vì vậy mà căn bệnh lại càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Gặp phải những khó khăn lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua. Mất việc, nghỉ hưu, tài chính khó khăn, hôn nhân trục trặc, con cái hư hỏng… có thể là những nguyên nhân khiến người già bị trầm cảm. Những khó khăn mà họ phải trải qua giống như những cú sốc quật ngã họ, khiến họ rơi vào bi quan, tuyệt vọng.
  • Mắc phải những căn bệnh nan y hoặc cùng lúc mắc nhiều căn bệnh tuổi già. Tuổi cao, sức đề kháng suy giảm, người già dễ mắc phải nhiều bệnh như: tim mạch, tiểu đường, hô hấp… Bệnh tật khiến người già cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, chán nản với cuộc sống.
  • Cảm giác trở thành người thừa trong gia đình. Già cả, nghỉ hưu, thời gian rảnh quá nhiều, tài chính giảm sút… Những yếu tố ấy khiến cho người già mất tự tin vào vị trí của mình trong gia đình, nảy sinh cảm giác mình trở nên thừa thãi, không còn có ích với con cái, xã hội.
  • Về già, người ta trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều. Khi không còn đi làm, thời gian hoạt động ít đi, các mối quan hệ xã hội cũng thu hẹp lại khiến cho người già dễ cảm thấy tủi thân và cô đơn.
  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị.

> Xem thêm:

3. Giải pháp để thoát khỏi căn bệnh trầm cảm ở người già

 

trầm cảm ở người cao tuổi
Người cao tuổi trầm cảm luôn cảm thấy uể oải và không muốn tham gia hoạt động gì

Ai cũng có lúc sẽ gặp những khó khăn trong cuộc đời, tưởng chừng như tất cả mọi cánh cửa đều đóng sầm trước mặt mình. Ai cũng từng có lúc cảm thấy mất hết niềm tin, hứng thú, động lực sống. Ai cũng từng có giây phút nghĩ: giá như mình tan biến như bọt biển, sẽ không còn phải gánh chịu những nỗi đau nữa. Nhưng sinh mệnh là đáng quý, căn bệnh nào cũng có thể tìm được cách để điều trị. Trầm cảm cũng vậy. Hãy:

  • Chia sẻ và nhờ tới sự hỗ trợ của người khác, đừng ôm tất cả mọi buồn phiền trong lòng.
  • Đứng dậy và vận động, dù chỉ một chút. Vận động sẽ giúp cơ thể sảng khoái hơn, tinh thần sẽ nhờ đó mà tốt lên từng chút một.
  • Duy trì một vài sở thích của bản thân. Biết đâu bạn sẽ tìm lại được niềm vui từ những điều nhỏ nhoi ấy.
  • Cố gắng ăn uống đầy đủ, dù không cảm thấy ngon miệng. Có thể không ăn nhiều, nhưng hãy ăn đúng bữa, đủ bữa và đủ dinh dưỡng. Chỉ khi cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần mới khỏe mạnh được.
  • Nếu không ngủ được cũng đừng quá lo lắng, hãy thử ngồi dậy để thiền và nghe nhạc thiền. Sau đó thử uống một vài loại trà giúp an thần, ngủ ngon.
  • Trò chuyện với con cái nhiều hơn. Nếu không nói ra các con sẽ không thể hiểu được mình đang nghĩ gì và cảm thấy như thế nào. Trò chuyện chính là cách tốt nhất để mọi người hiểu nhau.
  • Không quá lo lắng về bệnh tật. Sinh – lão – bệnh – tử là lẽ tất yếu ở đời, con người ai cũng trải qua như nhau. Nếu có bệnh, hãy thăm khám bác sĩ và điều trị theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
  • Trầm cảm cũng chỉ là một căn bệnh như bao căn bệnh khác. Đừng ngại nói ra, đừng nghĩ nó là một điều gì đó kinh khủng.
  • Trân quý bản thân mình. Ai sinh ra cũng có ý nghĩa nhất định đối với cuộc đời. Người khác không công nhận không có nghĩa là bạn không đáng quý. Hãy yêu thương chính mình nhé.
  • Và gia đình, bạn bè, hãy thật lòng quan tâm tới người thân của mình, để ý xem họ có những dấu hiệu trên hay không. Những lời hỏi han, động viên kịp thời chính là liều thuốc tốt nhất đánh bay căn bệnh trầm cảm

Các tin liên quan